Giá đất nền Bình Phước, càng nhảy múa càng rủi ro

Giá đất nền Bình Phước, càng nhảy múa càng rủi ro

Giá đất nền Bình Phước tuy được đánh giá là thấp so với mặt bằng nhưng những đợt tăng giảm vừa qua đang kéo theo nhiều hệ lụy.

Nhà đất Bình Phước đang là một trong số các từ khóa “hot” hiện nay. Sau thời gian yên ắng vì dịch bệnh, thị trường này đã quay trở lại, gây ấn tượng với nhiều sự thay đổi và lan tỏa sức nóng khá rõ nét. Nhu cầu mua bán đất Bình Phước tăng vọt, không chỉ đất nền Bình Phước, các dòng sản phẩm như nhà phố, biệt thự cũng “rộn ràng” hơn trước, thậm chí đất rẫy, đất vườn,… cũng chưa bao giờ được săn đón đến thế.

Trong làn sóng đổ xô tìm kiếm đất vùng ven, giá đất nền Bình Phước cho thấy sự thay đổi nhanh chóng. Dưới các yếu tố tác động, khách quan lẫn chủ quan, sự nhảy múa của giá đất đang đặt ra bài toán về sự minh bạch và an toàn của thị trường địa ốc Bình Phước.

Giá đất nền Bình Phước có đang bị “thổi”?

Theo ghi nhận, giá đất nền Bình Phước thay đổi trong thời gian gần đây là do phần lớn sự tác động từ thông tin dự kiến xây cầu Mã Đà nối Bình Phước – Đồng Nai, khiến khu vực gần đường DT753 gần như không thể lặng sóng.

Ý tưởng xây cầu Mã Đà đã có từ 20 năm trước. Tuy nhiên, vì xét thấy quá trình thực hiện dự án này sẽ gây ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, cùng với số vốn đầu tư lớn, trong khi lưu lượng xe chưa nhiều nên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đã đề xuất từ chối.

Vào cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh Bình Phước lại tiếp tục đề xuất phương án xây dựng cầu Mã Đà với Thủ tướng Chính phủ. Cầu Mã Đà dự kiến có chiều rộng mặt cầu 11m, dài 90m, bắc qua sông Mã Đà. Công trình nằm trong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường tỉnh ĐT.753, quy mô cấp III với tổng mức đầu tư là 655 tỉ đồng.

Theo đó, đường ĐT.753 sẽ kết nối với đường Bà Hào – sân bay Rang Rang – đường ĐT.761, sau đó nâng cấp thành quốc lộ 13C, đi qua vùng lõi Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hoá Đồng Nai, đến quốc lộ 1 (thuộc huyện Trảng Bom, Đồng Nai).

Ngay từ khi thông tin này xuất hiện, tầm gần cuối tháng 3 vừa qua, hàng trăm cò đất đã ngày đêm túc trực dọc hai bên đường ĐT 753 (đoạn từ cầu Cứ, xã Tân Hưng) đến ngã 3 Thạch Màng (xã Tân Lợi, H.Đồng Phú). Những đối tượng này đứng thành nhóm, có sẵn bàn ghế để phục vụ cho quá trình chào mua đất. Rất nhiều khu đất nông nghiệp được san phẳng, cắm cọc phân lô với khá nhiều quảng cáo hấp dẫn, chủ yếu gắn với tiềm năng và sức bật từ việc xây dựng cầu Mã Đà. Cùng với đó, xe ô tô mang biển số Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,… nối đuôi nhau suốt đoạn đường. Có lẽ người dân hiếm khi nào lại có thể nhìn thấy không khí náo nhiệt đến vậy.

Lượt quan tâm đất nền Bình Phước tăng cao

Thông tin từ người dân cho biết, hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về tuyến đường này tìm mua đất, chỉ trong vài ngày mà giá đất đã nhảy múa liên tục, thậm chí họ nghe xong còn thấy chóng mặt. Nhiều khu vực giá đất tăng từ 30 – 50%, có những vị trí tăng lên gấp 2 lần. Việc một lô đất qua tay 2 – 3 chủ trong một ngày là điều hoàn toàn bình thường.

Một môi giới bất động sản chia sẻ, ngay khi có thông tin báo chí về việc xây cầu Mã Đà, anh và nhóm bạn đã nhanh chóng từ Bình Dương lên khu vực này, chấp nhận nằm vùng để tìm kiếm cơ hội. Chỉ trong ngày đầu tiên, bằng chiêu thức “lướt sóng”, anh đã thu về hơn 1 tỷ đồng – con số ao ước và cũng có thể là không tưởng với nhiều người. Theo kinh nghiệm của mình, anh cho rằng, cơn sốt đất đều chỉ diễn ra chóng vánh trong vài ngày, sau đó sẽ chững lại dần, nên phải nhạy ở giai đoạn này. Cụ thể, ngày thứ nhất giá đất khoảng 100 triệu đồng/m ngang thì đến ngày thứ 4, con số này đã chạm ngưỡng 250 – 300 triệu đồng/m và hoàn toàn có thể “nhảy” lên 300 – 350 triệu đồng/m2.

Anh chia sẻ: “Theo nhìn nhận của tôi, giá đất hiện tại quá cao so với các khu vực lân cận. Tuy nhiên, người mua thích được nghe “thổi lỗ tai” bằng những viễn cảnh tươi sáng khi cầu Mã Đà hoàn thành nên đã xuống tiền. Nói chung, mình thấy thì thấy nhưng cơ hội đến tay thì phải phất thôi”.

Thông qua đây có thể thấy, giá đất nền Bình Phước nhảy múa cũng chính bởi chiến thuật tâm lý đắt giá, tuy quen thuộc nhưng luôn hiệu quả ở mọi hoàn cảnh. Bởi người mua thích hạ tầng, thích giao thông phát triển,… nên người bán đất chỉ với thông tin xây cầu Mã Đà, tăng cường kết nối giao thông giữa các khu vực trọng điểm là đủ để đẩy giá đất lên một “tầm cao mới”.

Rõ ràng, đất nền Bình Phước vốn đã không hề “nguội”, dù thời gian dịch bệnh có kéo dài và khó khăn thì làn sóng tìm mua đất ở đây vẫn luôn âm ỉ. Những đợt tăng giá ngầm diễn ra, tuy nhiên, khi gặp được cú hích, giá đất nền nhanh chóng bùng nổ và trở thành cơn sốt.

Sức hút nhưng rủi ro cũng song hành

Thông tin về sốt nhà, sốt đất kéo về cho thị trường một lượng khách hàng khổng lồ, sự sôi động bất ngờ là đòn bẩy để “quảng cáo” cho bất động sản Bình Phước. Tuy nhiên, cái gì hào nhoáng quá cũng có hệ lụy, nếu không kiểm soát chắc chắn sẽ khiến thị trường diễn biến xấu đi.

Giá đất tăng nhanh mang theo nhiều rủi ro

Chỉ sau 2 ngày từ khi cơn sốt đất diễn ra, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú đã ra văn bản yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra sử dụng đất và hoạt động xây dựng. Những trường hợp tự ý mở đường, mua bán, sang nhượng, tách thửa trái phép, chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là khu vực đường DT753 đều bị lập hồ sơ xử lý nghiêm khắc. Động thái này là một phản ứng kịp thời trước khi cơn sốt không thể khống chế và giá leo thang đến đỉnh điểm, lúc này thị trường dù muốn hay không cũng rơi vào cảnh “bát nháo”.

Các khu vực như Tp. Đồng Xoài, huyện Bù Đăng, Lộc Ninh,… cũng từng xảy ra trường hợp tương tự và lãnh đạo tỉnh đã nhanh chóng ra văn bản, ngăn chặn hành vi tự ý mở đường, tự ý phân lô, tách thửa. Đồng thời, yêu cầu các địa phương cần minh bạch, công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch,… hạn chế tối đa sự thổi phồng của môi giới, quảng cáo, vẽ bánh,…

Bài học về những dự án “ma” trước đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơn sốt đất sau này. Điển hình nhất là cơn sốt đất ảo ở huyện Hớn Quản, xuất phát từ tin đồn xây dựng sân bay. Những khu đất vốn được ca tụng hết lời nay nằm ngổn ngang bê tông. Nhiều người dân thấy giá đất lên vội vàng bán ra, sau đó tiếc nên mua lại, bất ngờ tự đẩy mình vào cảnh nợ nần. Một người dân kể lại:”Nghe lời môi giới, tôi mua vào 3 lô đất với hy vọng chỉ sau 1 tháng sẽ lãi khoảng 300-400 triệu đồng. Vậy mà…”.

Kịch bản ở huyện Đồng Phú, sốt đất từ dự án cầu Mã Đà cũng theo lối mòn của nhiều cơn sốt đất trước đó. Đánh giá khách quan, huyện Đồng Phú tuy ngày càng có dấu hiệu phát triển tích cực nhưng vẫn xuất phát từ một huyện nghèo, nghề nông là chủ yếu, việc xẻ đất bán theo trào lưu đẩy người dân vào cảnh không còn đất canh tác. Đây cũng là nguyên nhân đẩy nạn phân lô đất nông nghiệp phổ biến hơn, phá vỡ quy hoạch địa phương.

Lãnh đạo xã Tân Lợi, một trong các khu vực có sốt đất cho biết, cán bộ địa chính, công an đã trực tiếp đi kiểm tra, nắm tình hình để nhận diện vấn đề. Qua đó nhận thấy, tình trạng mua đi bán lại nhiều lần, nhiều người mua không nắm rõ thông tin, không xác minh pháp lý dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về tài chính và tạo ra những bất ổn về thị trường và những vấn đề an ninh trật tự tại địa phương. Do đó, người dân lẫn người mua phải hết sức bình tĩnh.

Cơ quan chức năng trong tỉnh cũng tăng cường khuyến cáo người dân giao dịch an toàn, đề cao cảnh giác. Giá đất nền Bình Phước có thể tăng theo quy luật, nhưng với trường hợp tăng nóng ở một thời điểm, chịu tác động bởi thông tin nào đó, cần tỉnh táo và thận trọng.

Xem thêm: